Quy Mô Thị Trường Khái Niệm, Phân Loại và Tầm Quan Trọng

Thị trường kinh doanh hiện nay ngày càng trở nên gay gắt, nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị đầy đủ sẽ rất khó để có thể thành công. Nhiều chuyên gia nhận định việc nghiên cứu và xác định quy mô thị trường là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có được các chiến lược kinh doanh đúng hướng.

1/ Quy mô thị trường là gì?

Quy Mô Thị Trường Khái Niệm, Phân Loại và Tầm Quan Trọng

Định nghĩa về quy mô thị trường

Quy mô thị trường (Market size) hay dung lượng thị trường là tổng số khách hàng quan tâm đến một sản phẩm/dịch vụ cụ thể hoặc tổng số người bán một sản phẩm/dịch vụ cụ thể trong một thị trường nhất định. Ngoài ra, Market size cũng được xác định bởi tổng doanh thu tiềm năng của một sản phẩm/dịch vụ cụ thể có thể tạo ra ở thị trường đó.

Nói một cách đơn giản thị trường mục tiêu của bạn như một chiếc bánh, bạn cần đo quy mô thị trường để xem chiếc bánh đó lớn đến cỡ nào, sau đó so sánh với doanh thu hiện tại của công ty (thị phần miếng bánh bạn đang sở hữu) để xem tiềm năng phát triển trong tương lai của công ty bạn. Nếu miếng bánh bạn sở hữu còn quá nhỏ so với quy mô chiếc bánh lớn thì tiềm năng phát triển còn nhiều, bạn có thể đầu tư hơn để chiếm lĩnh nhiều thị phần hơn. Còn nếu miếng bánh bạn đang sở hữu đã gần hết chiếc bánh lớn thì nghĩa là thị trường mục tiêu hiện tại không còn cơ hội để bạn phát triển nhanh mạnh nữa, cần có chiến lược duy trì và phát triển sang một thị trường mới béo bở hơn.

Quy mô thị trường sẽ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp có đáp án cho các câu hỏi liên quan tới thị trường mục tiêu, từ đó có thể đưa ra các chiến lược phát triển phù hợp đối với sản phẩm/dịch vụ mà công ty đưa ra thị trường nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận.

2/ Phân loại quy mô thị trường

Quy Mô Thị Trường Khái Niệm, Phân Loại và Tầm Quan Trọng
Mỗi loại quy mô thị trường có đặc tính riêng

2.1/ Phân loại quy mô thị trường theo độ lớn

Về cơ bản, quy mô thị trường thường được phân loại theo 3 loại như sau:

# 2.1.1/ Quy mô thị trường lớn

Quy mô thị trường lớn là thị trường có số lượng giao dịch, người tham gia và giá trị giao dịch ở mức độ lớn, thường đây là thị trường của các sản phẩm thiết yếu, thị trường lớn cũng đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh cao nhưng tiềm năng phát triển lớn.

# 2.1.2/ Quy mô thị trường trung bình

Quy mô thị trường trung bình là thị trường có quy mô trung bình về số lượng người tham gia, số lượng giao dịch. Tương tự như thị trường lớn, mức độ cạnh tranh và tiềm năng phát triển ở thị trường có quy mô trung bình là có.

# 2.1.3/ Quy mô thị trường nhỏ

Quy mô thị trường nhỏ hay thị trường ngách là những thị trường có lượng người giao dịch, số lượng sản phẩm, dịch vụ được giao dịch ở mức thấp. Các sản phẩm thường là những mặt hàng đặc biệt, khó tiếp cận. Thị trường ngách tuy nhỏ nhưng có rất ít hoặc không có đối thủ cạnh tranh, lợi nhuận mang lại cao nhưng không đủ lớn để doanh nghiệp phát triển mạnh.

2.2/ Phân loại quy mô thị trường theo khả năng tiếp cận

Đối với các chuyên gia marketing họ thường chia thị trường theo khả năng tiếp cận với 3 loại quy mô thị trường chính đó là TAM, SAM và SOM:

# 2.2.1/ Quy mô thị trường TAM

TAM là từ viết tắt của Total Available Market được hiểu là Tổng nhu cầu với sản phẩm dịch vụ, thể hiện tổng thể thị trường mà doanh nghiệp đang hướng tới, đồng thời cũng nói lên khả năng xâm nhập và mở rộng thị trường của doanh nghiệp. Ví dụ: Bạn muốn mở một chuỗi cửa hàng sữa chua trân châu, vậy thì TAM của bạn sẽ là toàn bộ những người ăn sữa chua trân châu tại Việt Nam.

# 2.2.2/ Quy mô thị trường SAM

SAM là từ viết tắt của Serviceable Available Market còn gọi là Thị trường có thể phục vụ được, thể hiện sức mạnh hay khả năng chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp. Ví dụ với nguồn lực hiện có, doanh nghiệp đủ sức để chiếm lĩnh 30% thị trường trong vòng 2-3 năm tới. Nếu trong thời gian đó mà không thể chiếm lĩnh được 30% thị trường chứng tỏ khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp thấp hơn mong đợi, cần xem lại các chiến lược.

# 2.2.3/ Quy mô thị trường SOM

SOM là từ viết tắt của Serviceable Obtainable Market có nghĩa là Thị trường đang nắm giữ được (thị phần). Trong trường hợp nếu doanh nghiệp là đơn vị duy nhất trên thị trường (độc quyền ở một thị trường nhỏ) thì SOM có thể là SAM. Tuy nhiên với những thị trường lớn có mức độ cạnh tranh cao, doanh nghiệp cần phải tính toán SOM một cách kỹ lưỡng.

READ  Equity Là Gì? Vai Trò Và Hình Thức Vốn Chủ Sở Hữu Trong Kinh Doanh

# 2.2.4/ Sự khác nhau giữa TAM, SAM và SOM

SOM phản ánh khả năng nắm giữ thị phần, SAM phản ánh sự cạnh tranh trên thị trường thực tế và TAM sẽ phản ánh tiềm năng và tầm nhìn của doanh nghiệp trong tương lai. SOM là con số bé nhất và có giới hạn cụ thể trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, TAM là con số lớn mang tính chất quy mô bao hàm các sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, còn SAM có quy mô nhỏ hơn TAM thể hiện kỳ vọng mà doanh nghiệp hướng tới.

3/ Tại sao Market size lại quan trọng?

Quy Mô Thị Trường Khái Niệm, Phân Loại và Tầm Quan Trọng

Một khi bạn hiểu và nắm rõ các thông tin về quy mô thị trường, bạn sẽ trả lời được các câu hỏi sau:

  • Thị trường này có đủ lớn, đủ tiềm năng và hấp dẫn để đầu tư?
  • Có nên phát triển thêm sản phẩm mới ở thị trường này?
  • Nên mở rộng đầu tư vốn hay thu hẹp nguồn vốn ở thị trường này?
  • Cần nguồn vốn ban đầu là bao nhiêu để khai phá thị trường này?

Đây là những câu hỏi quan trọng để doanh nghiệp có thể đưa ra các chiến lược hợp lý nhằm phát triển một cách bền vững và nhanh chóng.

3.1/ Biết được thị trường có tiềm năng hay không

Việc phân tích quy mô thị trường sẽ giúp người kinh doanh biết được nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ của khách hàng trong khu vực, từ đó xác định lượng người tiêu dùng sẽ mua hàng của bạn và dự đoán được nguồn thu. Qua đó có thể tính toán được thị trường doanh nghiệp hướng tới là lớn hay nhỏ có đáng để đầu tư không.

Ngoài ra, quy mô thị trường còn là một chỉ số tiềm năng của các doanh nghiệp mới để tìm kiếm nhà đầu tư. Vì nếu chứng tỏ được sản phẩm dịch vụ mới có thể tăng trưởng mạnh trong thị trường mục tiêu, cơ hội kiếm tiền tốt thì sẽ dễ dàng trong việc kêu gọi vốn và thu hút các nhà đầu tư.

3.2/ Giúp doanh nghiệp sử dụng nguồn lực hiệu quả

Nếu doanh nghiệp hiểu rõ quy mô thị trường, sau đó so sánh nó với tài nguyên mà doanh nghiệp đang có, từ đó sẽ giúp cho doanh nghiệp biết mình đang ở đâu trong thị trường và có thể phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả như nguồn vốn, công nghệ, nhân lực, quảng cáo,…

Nếu thị trường lớn và có nhiều đối thủ nguồn lực mạnh hơn bạn thì cần có chiến lược dài hạn tập trung vào phát triển sản phẩm. Nếu thị trường nhỏ hoặc nguồn lực của bạn mạnh hơn so với các đối thủ thì có thể tập trung vào quảng cáo và cạnh tranh về giá để đẩy nhanh quá trình chiếm lĩnh thị trường.

3.3/ Phát triển các chiến lược tiếp thị và kinh doanh

Một khi bạn hiểu rõ về quy mô thị trường thông qua các chỉ số TAM, SAM và SOM, bạn sẽ biết được thị trường của mình đang ở giai đoạn nào, từ đó có thể đưa ra các chiến lược tiếp thị và kinh doanh phù hợp:

  • Nếu thị trường đang phát triển mạnh, có thể tập trung vào cải tiến, cải thiện chất lượng sản phẩm, tung ra nhiều kiểu dáng mới để kích thích thị hiếu người tiêu dùng.
  • Khi thị trường dần đến giai đoạn bão hòa, cần đẩy mạnh khâu tiếp thị, hậu mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng để giữ chân khách hàng trung thành.
  • Khi thị trường đến giai đoạn thoái trào, hãy cân nhắc chấm dứt kinh doanh ở thị trường cũ và tìm kiếm thị trường mới tiềm năng hơn.

Kết luận

Quy mô thị trường là một trong những yếu tố then chốt để doanh nghiệp đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả. Bằng cách phân tích và nắm bắt được thông tin về quy mô thị trường, doanh nghiệp sẽ biết được thị trường của mình đang ở giai đoạn nào, có tiềm năng lớn hay không, từ đó có thể lên kế hoạch sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất và đưa ra các chiến lược phát triển phù hợp. Đây là một công cụ hữu ích, giúp doanh nghiệp có thể đánh giá chính xác hơn về tiềm năng thị trường, từ đó đưa ra những quyết định đầu tư và kinh doanh chiến lược đúng đắn.