SWOT là gì? Phân tích mô hình ma trận SWOT cho doanh nghiệp

Nếu chỉ thấu hiểu về doanh nghiệp cá nhân thôi thì chưa đủ, nhất là khi độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn, vì vậy SWOT được phát triển và ứng dụng vào các tổ chức như một giải pháp cứu cánh nhằm giải quyết từ những vấn đề từ vi mô đến vĩ mô. SWOT không chỉ giúp nhà quản trị định vị rõ vị lợi thế của doanh nghiệp trên thị trường mà còn đề ra những ý tưởng tuyệt vời để thực thi chiến lược.

Vậy bản chất SWOT là gì và đâu là cách phân tích ma trận SWOT đúng cho từng doanh nghiệp? Để có được góc nhìn cụ thể về mô hình này, hãy cùng Staibins.com theo dõi chi tiết bài viết dưới đây.

1. Định nghĩa SWOT

1.1. SWOT là gì?

SWOT được viết tắt từ tạo nên từ 4 từ trong tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh),  Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức). Đây là một phương pháp phân tích chiến lược phổ biến được sử dụng để đánh giá vị thế cạnh tranh của của một tổ chức, dự án, sản phẩm, từ đó giúp phát triển các kế hoạch chiến lược.  

1.2. Phân tích SWOT là gì?

Phân tích SWOT chính là việc xác định các yếu tố nội bộ (Strengths, Weaknesses) và các yếu tố bên ngoài (Opportunities, Threats). Dựa trên đó, bạn có thể áp dụng các chiến lược phù hợp để đưa ra những giải pháp thiết thực cho doanh nghiệp trong tương lai như chiến lược phát triển thị trường, phát triển sản phẩm, định vị thương hiệu,…

Phương pháp này có thể áp dụng cho các doanh nghiệp, đội nhóm đa dạng quy mô hoặc các dự án riêng lẻ.

READ  Thuế Môn Bài - Tìm Hiểu Cách Nộp Và Mức Nộp Năm 2024

Lấy ví dụ, nhờ phân tích SWOT, bộ phận Marketing có thể hình dung rõ hơn về đối thủ cạnh tranh ở các khía cạnh hướng truyền thông, kênh truyền thông, độ nhận diện của thương hiệu, các hoạt động họ thường làm để thu hút khách hàng,… Từ đó, doanh nghiệp bạn có thể phát triển chiến lược Marketing khác trong thế mạnh của mình, và đánh vào các điểm chạm đối thủ chưa làm.

Đối với bộ phận kinh doanh, mô hình SWOT giúp dễ dàng nhận ra cả những “điểm cộng” và “điểm trừ” trong sản phẩm của doanh nghiệp. Các điểm cộng sẽ được tận dụng để thu hút và thuyết phục khách hàng, trong khi các điểm trừ sẽ cần nỗ lực tìm cách khắc phục.

1.3. Tại sao doanh nghiệp nên áp dụng phân tích SWOT?

Phân tích SWOT liệu có giúp công ty mở rộng thị trường một cách suôn sẻ? Hay mô hình SWOT liệu có giúp công ty tránh khỏi thất thoát ngân sách do biến động thị trường? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Cụ thể, phân tích SWOT sẽ giúp doanh nghiệp bạn:

  • Lập kế hoạch chính xác hơn: Thay vì trực tiếp lập kế hoạch kinh doanh mà không dựa trên bất kỳ căn cứ nào, mô hình SWOT giúp bạn nhận thức rõ về tình hình hiện tại (Điểm mạnh và Điểm yếu) và các yếu tố môi trường xung quanh có thể tác động đến doanh nghiệp (Cơ hội và Thách thức) để đưa ra các quyết định có căn cứ và mang lại hiệu quả.
  • Nhận ra điểm mạnh & điểm yếu: Nhờ mô hình SWOT, doanh nghiệp có thể phát hiện ra những thế mạnh để tiếp tục phát huy, và những điểm chưa tốt để cải thiện.
  • Nắm bắt tốt những cơ hội xung quanh để mở rộng thị trường, phát triển doanh nghiệp.
  • Đối mặt và xử lý tốt các rủi ro (như biến động thị trường, sự thay đổi của đối thủ,…) để giảm thiểu tổn thất cho doanh nghiệp.

2. Giải nghĩa 4 yếu tố trong mô hình SWOT là gì

Trước khi đi sâu vào tìm hiểu cách xây dựng, mỗi nhà quản trị cần hiểu rõ 4 yếu tố chính tạo nên mô hình SWOT (S, W, O, T). Bởi lẽ, 4 yếu tố này có những đặc tính riêng và mang những lợi ích riêng cho các nhà quản trị khi áp dụng.

SWOT là gì
4 yếu tố trong mô hình SWOT

2.1. Điểm mạnh (Strengths)

Chữ cái đầu tiên SWOT là S (Strengths) – Điểm mạnh. Hiểu đơn giản, đây là những đặc điểm tốt của công ty, những yếu tố nổi bật giúp công ty bạn khác biệt và vượt trội so với đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ: Nhân viên lành nghề, có kỹ năng hay công nghệ tiên tiến,…. đều được coi là điểm mạnh của doanh nghiệp.

2.2. Điểm yếu (Weaknesses)

Trái ngược với điểm mạnh là điểm yếu, và đây cũng là yếu tố thứ 2 trong ma trận SWOT. Điểm yếu là những yếu tố cản trở sự phát triển của công ty, là những “lỗ hổng” mà công ty cần cải thiện. Hoặc có thể hiểu, điểm yếu cũng chính là những điểm đối thủ cạnh tranh làm tốt hơn bạn.

Ví dụ: Về khía cạnh sản phẩm, chính sách giá đang quá cao so với mức chi trả của khách hàng là một điểm yếu, có nguy cơ dẫn đến sự sụt giảm doanh thu cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần tham khảo đối thủ cạnh tranh và điều chỉnh mức giá phù hợp hơn với khách hàng, nhưng vẫn đảm bảo được chi phí cấu thành nên sản phẩm.

2.3. Cơ hội (Opportunities)

Đến với các yếu tố ngoại cảnh trong ma trận SWOT, chúng ta có từ O (Opportunities) – Cơ hội. Đây là “tấm đòn bẩy” giúp công ty phát triển một cách thuận lợi, nâng cao doanh thu hoặc mang lại giá trị tốt đẹp.

Ví dụ: Sau dịch bệnh Covid-19, sau những ngày tháng giãn cách xã hội, nhiều bạn trẻ muốn khám phá những điểm du lịch và muốn vực dậy ngành du lịch. Có thể nói, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không hồi phục và tăng trưởng trở lại sau đại dịch.

2.4. Thách thức (Threats)

Có cơ hội cũng nảy sinh những thách thức, và đây cùng yếu tố quan trọng cuối cần được nhắc tới. T (Threats) – Thách thức là các yếu tố gây rủi ro, tổn thất hoặc cản trở sự phát triển của công ty trong hiện tại hoặc tương lai.

Ví dụ: Khủng hoảng truyền thông được coi là một trong những yếu tố thách thức lớn nhất và gây tổn thất nặng nề cho hầu hết mọi doanh nghiệp. Trong thời đại hiện nay, một lời đánh giá tiêu cực của khách hàng rất có thể sẽ được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, khiến rất nhiều khách hàng khác trở nên lo lắng có xu hướng “rời bỏ” doanh nghiệp.

3. Hướng dẫn xây dựng ma trận SWOT cho doanh nghiệp

Không đơn giản chỉ là liệt kê các nội dung trong 4 yếu tố, việc phân tích SWOT còn có thể được phát triển thành việc xây dựng ma trận SWOT, thông qua các bước sau đây:

Bước 1: Xác định mục tiêu phân tích SWOT

Mục tiêu luôn được gắn liền với các dự án, hoạt động trong doanh nghiệp. Nhờ có mục tiêu rõ ràng, nhà quản trị sẽ tập trung vào các khía cạnh hướng tới mục tiêu đó.

Với từng bộ phận, từng kế hoạch, việc phân tích mô hình SWOT có những mục tiêu khác nhau: có thể là mở rộng thị trường, ra mắt sản phẩm, doanh nghiệp đang gặp vấn đề về khủng hoảng truyền thông, sản phẩm nhận được phản hồi không tốt từ khách hàng,…

Bước 2: Thu thập thông tin

Để phân tích SWOT được mang tính khách quan, bạn cần thực hiện khảo sát các bộ phận trong chính doanh nghiệp, các đối tác và khách hàng, đồng thời thu thập thông tin rộng rãi trong ngành và từ các đối thủ cạnh tranh,…

Đối với việc khảo sát, bạn có thể thực hiện phỏng vấn hoặc tạo một biểu mẫu trực tuyến để tất cả mọi người có thể điền. Với các yếu tố thị trường, bạn có thể tìm kiếm thông tin trên các kênh tin tức uy tín, đánh giá của chuyên gia trong ngành, website của đối thủ cạnh tranh,…

SWOT là gì
Hướng dẫn xây dựng ma trận SWOT

Bước 3: Lên danh sách ý tưởng

Tại bước này, bạn có thể lấy giấy chia thành 4 ô vuông theo thứ tự 4 yếu tố tạo nên mô hình SWOT. Với mỗi ô vuông, bạn hãy đặt ra những câu hỏi và trả lời chúng để có thể hình dung rõ nhất về doanh nghiệp của mình hiện tại.

Điểm mạnh và Điểm yếu

Đối với các yếu tố bên trong doanh nghiệp (điểm mạnh, điểm yếu), bạn có thể sử dụng tất cả thông tin trong doanh nghiệp để lọc ra chúng.

Để lọc ra điểm mạnh, bạn có thể tham khảo những câu hỏi sau:

  • Doanh nghiệp bạn đang làm tốt ở các khía cạnh nào?
  • So với đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp đang vượt trội hơn ở điểm nào?
  • Lợi ích cốt lõi của sản phẩm (doanh nghiệp) là gì?
  • Đặc điểm nào giúp thương hiệu của bạn thu hút khách hàng?
  • Điểm gì khiến khách hàng gắn bó với sản phẩm của bạn?
  • Nguồn lực doanh nghiệp bạn đang có?

Trái ngược với điểm mạnh là điểm yếu, có thể được hình dung rõ nét bởi các câu hỏi sau:

  • Điểm yếu của doanh nghiệp là gì? (Liệu đó có đến từ nguồn lực thiếu hụt, ngân sách truyền thông hạn chế?,…)
  • Điều gì khiến khách hàng không hài lòng về sản phẩm/ dịch vụ của công ty bạn?
  • Lý do khách hàng không mua hàng/ không sử dụng dịch vụ bên bạn?
  • Đối thủ đang hơn bạn ở những điểm nào?
  • Đâu là lỗ hổng nguồn lực của công ty bạn?

Sau khi trả lời các câu hỏi trên, phần nào bạn đã hình dung ra những điểm mạnh và điểm yếu công ty đang có. Đây là những yếu tố bên trong công ty và hoàn toàn có thể kiểm soát được, nên việc đưa ra giải pháp hay các hoạt động cải tiến sẽ được thực hiện một cách dễ dàng.

Cơ hội và Thách thức

Các yếu tố bên ngoài tác động đến công ty cũng đóng vai trò quan trọng tương đương với những yếu tố nội bộ. Vì vậy, khi phân tích mô hình SWOT, bạn không nên bỏ qua việc phân tích 2 yếu tố này.

Để khai thác triệt để các cơ hội, bạn có thể sử dụng một số mẫu câu hỏi sau:

  • Doanh nghiệp bạn có thể làm gì để khách hàng yêu thích và gắn bó lâu dài?
  • Đâu là những kênh truyền thông tiềm năng, có tỷ lệ chuyển đổi khách hàng cao?
  • Xu hướng kinh doanh sắp tới trong ngành là gì?
  • Phân đoạn thị trường mà bạn có thể thử?
  • Các công nghệ mới ra mắt bạn có thể sử dụng?
  • Các công cụ, tài nguyên nào doanh nghiệp đang bỏ sót chưa khai thác?

Mẹo dành cho bạn: Nếu gặp khó khăn trong việc tìm ra các cơ hội cho doanh nghiệp, bạn có thể nhìn vào những thế mạnh và đánh giá liệu những thế mạnh này có thể phát triển hay mở ra những cơ hội nào không. Tương tự, bạn cũng có xem xét những điểm yếu và tưởng tượng rằng sau khi khắc phục chúng, bạn có thể tạo ra những cơ hội mới như thế nào.

Bên cạnh cơ hội, doanh nghiệp cũng sẽ gặp phải những rủi ro, thách thức từ thị trường. Để hình dung ra các thách thức này, bạn có thể trả lời những câu hỏi sau:

  • Trên thị trường, doanh nghiệp bạn đang có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh?
  • Thị hiếu của khách hàng đang thay đổi như thế nào?
  • Đối thủ cạnh tranh đang có kế hoạch làm gì?
  • Những điểm yếu nào trong doanh nghiệp mà đối thủ cạnh tranh có thể khai thác?
  • Các yếu tố kinh tế xã hội như chính sách chính phủ, các điều luật có đang thay đổi không? Chúng có thể gây ra những thách thức gì?

Lưu ý rằng, nếu doanh nghiệp bạn không thể kiểm soát và thay đổi được môi trường xung quanh, bạn cần thay đổi tổ chức để chống lại những yếu tố đó. Ví dụ: Đối thủ cạnh tranh ra mắt sản phẩm mới và thu hút tệp khách hàng của bạn. Sự kiện này bạn không thể thay đổi, nhưng bạn có thể nghiên cứu và cho ra mắt một sản phẩm mới tốt hơn, hoặc có thể đầu tư vào các chiến dịch marketing hấp dẫn.

SWOT là gì
Cơ hội và Thách thức

Bước 4: Thống nhất kết quả cuối cùng

Với danh sách các ý tưởng đa dạng trong tay về cả 4 yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, đây là lúc doanh nghiệp bạn ngồi lại để chắt lọc ra những cơ hội phù hợp nhất và đâu là các rủi ro lớn nhất. Một mẹo nhỏ cho bạn là hãy lần lượt xếp hạng danh sách những cơ hội và thách thức này theo thang điểm từ 1 đến 10.

Bước 5: Phát triển chiến lược dựa trên kết quả phân tích

Cuối cùng, bước 5 là bước giúp nhà quản trị đưa ra các chiến lược phù hợp cho công ty được gọi tắt là S-O, W-O, S-T và W-T (Biến thể của ma trận SWOT).

Chiến lược S-O

Chiến lược này kết hợp 2 yếu tố mạnh nhất trong ma trận SWOT, giúp doanh nghiệp sử dụng các điểm mạnh bên trong doanh nghiệp kết hợp với các cơ hội tuyệt vời từ thị trường. Nói cách khác, đây là việc tận dụng thế mạnh để phát triển từ những cơ hội tiềm năng.

Ví dụ: Một nhà hàng ở ven biển đang nổi tiếng với các món ăn ngon đặc sản địa phương và dịch vụ tận tình, thu hút một lượng lớn khách du lịch và cả người dân địa phương. Nhận thấy có thể tận dụng cơ hội về cả vị trí địa lý thuận lợi và mức độ nổi tiếng hiện tại của mình, nhà hàng đã phát triển thêm các dịch vụ liên quan đến du lịch.

Chiến lược S-T

Đây là chiến lược kết hợp giữa điểm mạnh và thách thức, với mục tiêu đẩy mạnh khai thác và tối đa hoá các điểm mạnh của doanh nghiệp, nhằm chống lại những thách thức bên ngoài thị trường, giảm thiểu thiệt hại do thách thức gây ra.

Ví dụ: Thị trường các phần mềm – ứng dụng học tiếng Anh đang trở nên cực kỳ cạnh tranh với sự xuất hiện của nhiều ứng dụng mới trên toàn thế giới. Dù vậy, ứng dụng Phòng thi ảo vẫn chiếm được thị phần và chiếm được lòng tin của khách hàng, bởi đơn vị phát triển ra nó đã biết cách khai thác các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và học máy để cung cấp các tính năng độc đáo, được cá nhân hóa cho mỗi người dùng.

Chiến lược W-O

Chiến lược này là sự kết hợp của 2 yếu tố điểm yếu và cơ hội, được thực hiện bằng cách tận dụng các cơ hội để khắc phục các điểm yếu.

Ví dụ: Một công ty startup mới gia nhập thị trường còn yếu về cả nguồn lực và kinh nghiệm quản lý. Hiểu được điều đó, họ đã kêu gọi rót vốn từ một quỹ đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành. Quỹ đầu tư đó thực sự đã hỗ trợ và tham vấn cho công ty rất nhiều về mặt vận hành, bù đắp cho những thiếu sót trong nội bộ.

Chiến lược W-T

Chiến lược này kết hợp giữa 2 yếu tố kém nhất trong 4 yếu tố mô hình SWOT (Điểm yếu và thách thức). Nếu như gọi chiến lược S-O là chiến lược tấn công thì chắc chắn chiến lược W-T chính là chiến lược phòng thủ. Mục đích của chiến lược này giúp cải thiện các điểm yếu và đồng thời hạn chế các rủi ro, thường sẽ được sử dụng khi công ty đang rơi vào tình trạng suy thoái.

Ví dụ: Một công ty sản xuất thiết bị điện tử truyền thống đang phải đối mặt với suy thoái do sự thay đổi nhanh chóng trong xu hướng công nghệ, khiến cho các sản phẩm của họ trở nên lạc hậu so với những sản phẩm mới đến từ các đối thủ cạnh tranh. Chiến lược phù hợp nhất cho doanh nghiệp lúc này là cải tiến các sản phẩm truyền thống cũ, đồng thời mở rộng dòng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình để tăng thêm sức mạnh cạnh tranh.

4. Ưu nhược điểm của mô hình SWOT

SWOT là gì
Ưu nhược điểm của mô hình SWOT

4.1. Ưu điểm

Là một trong những mô hình nổi tiếng trên thế giới, SWOT sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội:

  • Tiết kiệm chi phí: Việc phân tích ma trận SWOT không cần quá nhiều kỹ thuật. Bất kỳ một nhân viên hoặc bộ phận nào của doanh nghiệp cũng có thể làm mà không cần qua lớp đào tạo chính thống.
  • Áp dụng được cho mọi doanh nghiệp, lĩnh vực và sản phẩm: Mô hình SWOT có thể áp dụng rộng rãi, từ những dự án nhỏ tới cả một tập đoàn lớn, bởi lẽ các yếu tố cấu thành nên mô hình SWOT đều dễ dàng tìm kiếm và thực hiện.
  • Bao gồm cả các yếu tố tác động bên ngoài: Các công ty thường chỉ xét đến các yếu tố bên trong để đưa ra quyết định, tuy nhiên luôn có rất nhiều yếu tố khác nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp và gây ra những rủi ro lớn. Hiểu được tư duy này, SWOT đã chú trọng nhìn nhận và đánh giá các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp.
  • Biến các vấn đề phức tạp trở nên dễ dàng: Thông qua việc lên danh sách và xếp hạng các ý tưởng trong ma trận SWOT, mỗi cá nhân đều dễ dàng hình dung được về bối cảnh toàn diện của doanh nghiệp và các khía cạnh đầy đủ của một vấn đề. Cách giải quyết vấn đề cũng trở nên khả thi và dễ dàng hơn bao giờ hết.

4.2. Nhược điểm

Tuy có sức mạnh ưu việt và áp dụng được trong mọi doanh nghiệp, nhưng SWOT vẫn tồn tại những nhược điểm mà bạn cần tránh:

  • Mô hình vẫn còn đơn giản: Quả thực ma trận SWOT vẫn chưa phân tích sâu được vào các khía cạnh của doanh nghiệp mà mới chỉ tập trung phân tích 4 yếu tố. Vì vậy, nếu chỉ dùng mô hình này, bạn sẽ chưa thể đưa ra định hướng hoặc các mục tiêu dài hạn cho doanh nghiệp.
  • Thông tin phân tích mang tính chủ quan: Mô hình SWOT còn mang tính chủ quan bởi nó được thực hiện phân tích chỉ bởi một cá nhân hoặc một bộ phận nhất định. Chưa có nhiều góc nhìn đa dạng để nhìn nhận vấn đề. Chưa kể tới mỗi người lại có thể đưa ra các kết quả phân tích khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn.
  • Khó xác định mức độ ưu tiên giữa các yếu tố: Mặc dù có thể xếp hạng để chắt lọc ra những cơ hội và rủi ro quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, nhưng 4 yếu tố S, W, O, T lại được xếp ngang hàng. Doanh nghiệp rất khó để xác định ưu tiên giữa chúng, để biết được ở một thời điểm nhất định nên tập trung vào yếu tố nào, chiến lược nào.

4.3. Khi nào doanh nghiệp nên sử dụng SWOT?

Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng nên dùng ma trận SWOT, mà chỉ nên sử dụng nó vào đúng thời điểm. Sau đây là một số trường hợp điển hình:

  • Khi xây dựng kế hoạch kinh doanh: Trong trường hợp này, SWOT giúp bạn xác định các yếu tố nội bộ và ngoại cảnh tác động đến doanh nghiệp, từ đó việc xây dựng kế hoạch trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.
  • Khi lập kế hoạch chiến lược: Bạn có thể dùng SWOT để xác định cơ hội mà doanh nghiệp có thể tận dụng và tránh các rủi ro cần phải đối mặt.
  • Trước khi ra quyết định quan trọng: Trước khi đầu tư, mở rộng thị trường, hay sáp nhập doanh nghiệp,… việc dùng SWOT sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về tình hiện tại, đánh giá lại vị thế và hướng đi của doanh nghiệp.
  • Khi đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh: Phân tích SWOT giúp bạn hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh, từ đó đưa ra các chiến lược cạnh tranh phù hợp.
  • Khi đánh giá môi trường kinh doanh: Nhờ SWOT, bạn sẽ hiểu rõ về môi trường kinh doanh và những yếu tố ảnh hưởng đến nó, như thay đổi các điều luật, xu hướng thị trường,…
  • Khi quản lý nội bộ công ty đang gặp vấn đề: SWOT giúp bạn đánh giá và cải thiện các quy trình nội bộ, nguồn nhân lực và văn hoá tổ chức.

SWOT là gì
SWOT làm thay đổi doanh nghiệp

5. Ví dụ minh hoạ về phân tích SWOT trong doanh nghiệp

F là một công ty startup trong lĩnh vực phát triển sản phẩm giáo dục, cụ thể hơn là phần mềm tiếng Anh. Sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp này là Phòng thi ảo –  Nền tảng luyện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, là dòng sản phẩm đi đầu trong xu hướng áp dụng Game hoá (Gamification) trong giáo dục tại Việt Nam. Đối tượng sử dụng chính của sản phẩm là học sinh tiểu học đang có nhu cầu ôn thi chứng chỉ quốc tế. Giá trị lớn nhất mà sản phẩm đang theo đuổi là biến việc học và thi tiếng Anh trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian.

Kế hoạch sắp tới của công ty là phát triển một tuyến sản phẩm dành riêng cho giáo viên, trung tâm giảng dạy và trường học.

Để có thể lên kế hoạch triển khai sản phẩm mới hiệu quả nhất, F đã thực hiện phân tích SWOT. 

Điểm mạnh:

  • Có ít đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong ngành
  • Là một trong những công ty đi đầu xu hướng áp dụng Gamification trong sản phẩm
  • Sản phẩm thực sự hữu ích cho người dùng
  • Đội ngũ phát triển đều là những nhân sự trẻ, nhiệt huyết, tinh thần học hỏi cao.

Điểm yếu:

  • Thương hiệu công ty còn mới (vì vậy chưa tiếp cận nhiều tệp khách hàng)
  • Sản phẩm nhiều tính năng nhưng chưa có hướng dẫn sử dụng cụ thể
  • Thỉnh thoảng bị lỗi hiển thị màn hình, do hình ảnh đồ họa nặng
  • Nguồn lực của công ty còn khá hạn chế.

Cơ hội:

  • Ngoại ngữ tiếng Anh ngày càng phổ thông
  • Lượng người dùng truy cập vào mạng xã hội để tìm hiểu về các ứng dụng học tiếng Anh lớn
  • Hiện nay có nhiều trường chuẩn bị có cơ chế tuyển thẳng đối với các học sinh tiểu học sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Thách thức:

  • Thị trường ngách nên tệp khách hàng cũng bị hạn chế
  • Hoạt động trong môi trường công nghệ nên xu hướng trong ngành liên tục thay đổi
  • Chi phí đầu tư công nghệ cao
  • Có nhiều bên khác làm nhái theo mô hình sản phẩm của F.

Từ việc phân tích 4 yếu tố trên, công ty F đã mở rộng thành các chiến lược khác nhau:

Chiến lược S-O:

  • Truyền thông đánh trực tiếp vào thị trường ngách (nơi không có nhiều đối thủ cạnh tranh)
  • Đẩy mạnh truyền thông về sản phẩm của F gắn liền với vị thế “đi đầu xu hướng Gamification”
  • Tận dụng sức lan tỏa của các case study người dùng thành công trên các kênh mạng xã hội.

Chiến lược S-T:

  • Làm rõ các lợi ích cốt lõi của sản phẩm, chứng minh sự vượt trội hơn hẳn so với các sản phẩm đạo nhái, đăng ký bản quyền thương hiệu
  • Đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển nội bộ.

Chiến lược W-O:

  • Tăng cường chạy quảng cáo thương hiệu trên mạng xã hội
  • Khuyến khích khách hàng tự đăng tải các kinh nghiệm sử dụng sản phẩm và review hướng dẫn tính năng lên mạng xã hội
  • Áp dụng chính sách giảm giá hoặc tặng quà khi giới thiệu khách hàng mới thành công
  • Tổ chức sự kiện tư vấn về các trường tuyển thẳng đối với các học sinh tiểu học sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, gắn kèm với thương hiệu F.

Chiến lược W-T:

  • Hợp tác với các đối tác chiến lược để giảm bớt gánh nặng tài chính, đồng thời giúp tăng nhận diện thương hiệu cho F.

6. Kết luận

Bài viết trên đây đã giải thích cụ thể về mô hình SWOT là gì và hướng dẫn cách triển khai mô hình này. SWOT không chỉ là một công cụ phân tích mà còn là một bước quan trọng trong quá trình định hình chiến lược kinh doanh. Từ việc nhận biết và tận dụng sức mạnh, khắc phục yếu điểm, khai thác cơ hội và đối phó với thách thức, doanh nghiệp bạn hoàn toàn có thể xây dựng và thúc đẩy chiến lược phát triển một cách hiệu quả.

Hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn về SWOT và có thể bắt tay vào áp dụng nó trong thực tiễn kinh doanh.

Chúc bạn thành công!