Bảo hiểm xe máy là gì? Có mấy loại, Mua Như Thế Nào?

1. Bảo hiểm xe máy là gì?

Bảo hiểm xe máy là tên thường dùng để chỉ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ.

Đối chiếu với khoản 1 Điều 10 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, bảo hiểm xe máy được thể hiện thông qua giấy chứng nhận bảo hiểm. Đây là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự giữa chủ xe với doanh nghiệp bảo hiểm.

Mỗi xe được cấp 01 giấy chứng nhận bảo hiểm (có thể dưới dạng giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử) nếu bị mất phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm (nơi đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp lại giấy này.

2. Bảo hiểm xe máy có mấy loại?

Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, có 02 loại bảo hiểm xe máy:

– Bảo hiểm bắt buộc xe máy (Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy): Là loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, xe mô tô phải tham gia nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

Khi xảy ra tai nạn, về nguyên tắc, bảo hiểm xe máy bắt buộc không bồi thường cho chủ xe mà thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới.

– Bảo hiểm xe máy tự nguyện: Đâu là loại bảo hiểm không bắt buộc. Người tham gia giao thông có thể lựa chọn mua hoặc không mua bảo hiểm xe máy tự nguyện.

Tuy nhiên nếu tham gia bảo hiểm xe máy tự nguyện, chủ xe sẽ được bồi thường thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về người (bao gồm cả chủ xe và người đi cùng) khi gặp tại nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp.

Tùy vào loại bảo hiểm mà đối tượng áp dụng, phạm vi trách nhiệm và mức bồi thường sẽ có sự khác biệt nhất định.

Bảo hiểm xe máy gồm mấy loại?
Bảo hiểm xe máy gồm mấy loại? (Ảnh minh họa)

3. Bảo hiểm xe máy bao nhiêu tiền?

Hiện nay, mức phí bảo hiểm xe máy bắt buộc (bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của phương tiện) được quy định tại Phụ lục I Nghị định 67/2023/NĐ-CP. Mức phí bảo hiểm tùy theo từng phương tiện như sau (chưa bao gồm 10% VAT):

– Xe máy dưới 50cc, xe máy điện là 55.000 đồng;

– Xe máy trên 50cc là 60.000 đồng;

– Các loại xe gắn máy còn lại: 290.000 đồng.

Trong khi đó, giá của bảo hiểm xe máy tự nguyện không có mức cố định mà phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm giữa người dân và công ty kinh doanh bảo hiểm.

4. Cách mua bảo hiểm xe máy

4.1. Bảo hiểm xe máy mua ở đâu?

Không khó để tìm mua bảo hiểm xe máy nhưng điều mà nhiều người quan tâm đó là mua bảo hiểm xe máy ở đâu cho uy tín.

Hiện nay, thị trường bảo hiểm xe máy tại Việt Nam đang khá phát triển với nhiều đơn vị bán bảo hiểm uy tín như: Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Quân đội MIC, Tổng công ty bảo hiểm PVI, Bảo hiểm BIC, bảo hiểm PTI của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện, bảo hiểm VNI của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Hàng không….

Theo đó, chủ xe cơ giới có thể đến các địa điểm sau để trực tiếp mua bảo hiểm xe máy đảm bảo chất lượng:

– Trụ sở, chi nhánh của công ty bảo hiểm gần nhất.

– Đại lý phân phối bảo hiểm.

– Ngân hàng.

– Cây xăng.

– Mua tại nhà thông qua app thanh toán và ứng dụng ngân hàng: Momo, Zalopay, Viettelpay,…

4.2. Làm thế nào để mua bảo hiểm xe máy?

Hiện có 02 cách đơn giản để mua bảo hiểm xe máy bao gồm:

– Mua trực tiếp tại các đơn vị bán bảo hiểm xe máy uy tín.

Khi đi người dân chỉ cần xuất trình giấy tờ xe để nhân viên bảo hiểm ghi thông tin. Sau đó đóng tiền cho nhân viên bảo hiểm để được nhận giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ xe máy.

– Mua online trên các ứng dụng điện thoại, app thanh toán.

Người dân đăng nhập ứng dụng >> Tìm chọn tính năng mua bảo hiểm xe >> Chọn đúng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới là xe máy >> Nhập thông tin và hoàn tất quá trình thanh toán.

Sau đó hệ thống sẽ gửi về giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ  xe máy (bản điện tử có mã QR).

>> Để được tư vấn thêm về bảo hiểm xe máy, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ chi tiết.

bao-hiem-xe-may
Mua bảo hiểm xe máy bằng cách nào? (Ảnh minh họa)

5. Bảo hiểm xe máy có tác dụng gì?

Theo Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, việc mua bảo hiểm xe máy bắt buộc có tác dụng bồi thường đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe máy gây ra trong mỗi vụ tai nạn, trừ một số trường hợp không được bồi thường.

5.1. Mức bồi thường bảo hiểm xe máy

– Mức bồi thường về sức khỏe, tính mạng:

Theo điểm a khoản 6 Điều 12 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, số tiền bồi thường bảo hiểm cụ thể được xác định theo từng loại thương tật, thiệt hại hoặc theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quyết định của Tòa án (nếu có) nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm được quy định.

Hiện tại, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe máy gây ra là 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn.

Căn cứ Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 67, mức bồi thường được xác định cụ thể như sau:

  • Bồi thường tối đa: 150 triệu đồng/người với trường hợp người bị thiệt hại chết hoặc tổn thương não gây di chứng sống kiểu thực vật.
  • Bồi thường theo mức độ thương tật:
Số tiền bồi thường = Tỷ lệ tổn thương x Mức trách nhiệm bảo hiểm

Ví dụ: Mất xương bản ngoài với tỷ lệ 18%, thì bồi thường: 18% x 150 triệu đồng = 27 triệu đồng

Chú ý: Nếu lỗi hoàn toàn do bên thứ ba thì công ty bảo hiểm chỉ bồi thường với tối đa bằng 50% mức quy định.

– Mức bồi thường về tài sản:

Căn cứ điểm b khoản 6 Điều 12 Nghị định 67, mức bồi thường bảo hiểm với thiệt hại đối với tài sản/1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.

READ  Bảo Hiểm Nhân Thọ Là Gì? Các Loại Hình Phổ Biến Nhất

Trong đó, mức trách nhiệm bảo hiểm về tài sản do xe máy gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn (theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP).

5.2. Thủ tục nhận tiền bồi thường bảo hiểm xe máy

Căn cứ Nghị định này 672023/NĐ-CP, thủ tục hưởng bảo hiểm xe máy khi xảy ra tai nạn, được tiến hành như sau:

Bước 1: Người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm thông báo cho công ty bảo hiểm về vụ tai nạn.

Thông báo ngay vào đường dây nóng để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn.

Sau đó gửi thông báo băng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử trong thời hạn 05 ngày làm việc, trừ trường hợp trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng.

Bước 2: Doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để giám định tổn thất.

– Thời hạn liên hệ người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm: 01 giờ.

– Thời hạn giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm: Trong vòng 24 giờ.

Bước 3: Người được bảo hiểm nhận tạm ứng bồi thường bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

Thời hạn trả tiền tạm ứng: 03 ngày làm việc kể từ ngày công ty bảo hiểm nhận được thông báo về vụ tai nạn.

– Trường hợp đã xác định vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường, thì được tạm ứng như sau:

  • Trường hợp tử vong: Tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ.
  • Trường hợp tổn thương bộ phận:Tạm ứng 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ.

– Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:

  • Trường hợp tử vong và ước tính tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên: Tạm ứng 30% mức trách nhiệm bảo hiểm.
  • Trường hợp ước tính tỷ lệ tổn thương từ 31% đến dưới 81%: Tạm ứng 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ.

Bước 4: Người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm nộp hồ sơ yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường.

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

1 – Văn bản yêu cầu bồi thường.

2 – Tài liệu liên quan đến xe, người lái xe:

  • Giấy đăng ký xe
  • Giấy phép lái xe.
  • Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của lái xe.
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm.

3 – Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

4 – Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản.

5 – Quyết định của Tòa án (nếu có).

Bước 5: Nhận tiền bồi thường bảo hiểm.

6. Không có bảo hiểm xe máy bị phạt thế nào?

Theo điểm d khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, tài xế khi điều khiển phương tiện phải mang Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Do đó, khi tham gia giao thông bằng xe máy, người điều khiển phương tiện phải có giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy bắt buộc.

Nếu không mua bảo hiểm xe máy bắt buộc hoặc có mua nhưng quên không đem theo mà bị Cảnh sát giao thông bất chợt gọi vào kiểm tra hành chính theo chuyên đề, người tham gia giao thông bằng xe máy chắc chắn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực thì sẽ bị phạt tiền từ tiền từ 100.000 – 200.000 đồng.

Không có bảo hiểm xe máy, tài xế bị phạt bao nhiêu?
Không có bảo hiểm xe máy, tài xế bị phạt bao nhiêu? (Ảnh minh họa)

7. Giải đáp một số thắc mắc về bảo hiểm xe máy

7.1. Bảo hiểm xe máy có bắt buộc không?

Bảo hiểm xe máy là sản phẩm bảo hiểm mà bất kì chủ xe máy nào cũng phải tham gia. Bởi theo Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong các loại bảo hiểm bắt buộc nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

Mặt khác, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng yêu cầu người tham gia giao thông bằng xe máy phải đem theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực.

Do đó, người dân lưu thông trên đường bằng xe máy thì bắt buộc phải mua bảo hiểm xe máy.

Lưu ý, người dân cần tìm mua chính xác loại bảo hiểm mang tên “Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy”. Đây mới là loại bảo hiểm bắt buộc phải mua.

Các loại bảo hiểm xe máy bán dọc đường với giá rẻ từ 10.000 – 20.000 đồng không có tác dụng khi gặp trường hợp Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ bởi đó chỉ là bảo hiểm xe máy tự nguyện.

7.2. Mua bảo hiểm xe máy online có bị phạt?

Theo Điều 10 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự được  thể hiện ở dạng bản giấy hoặc bản điện tử. Bảo hiểm xe máy bản điện tử cũng giá trị như bản cứng (bản giấy) và đều có thể xuất trình khi Cảnh sát giao thông yêu cầu.

Khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện có thể xuất trình bản giấy hoặc bản điện tử khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Do đó việc mua bảo hiểm xe máy online sẽ không bị phạt. Khi bị kiểm tra giấy tờ, người điều khiển phương tiện chỉ cần mở hình ảnh giấy chứng nhận bảo hiểm của chủ xe máy đã lưu trong điện thoại và đưa cho lực lượng chức năng kiểm tra.

Trên đây là những nội dung đáng chú ý liên quan đến bảo hiểm xe máy mà các tài xế nên nắm rõ khi tham gia giao thông.